Trái tim nhân hậu

Trái tim nhân hậu
Trái tim nhân hậu
Anh Minh phụ giúp chú Ngọc chăm sóc cho một người bị HIV / AIDS.

Bạn tham khảo:

Suốt mười năm nay, tại cánh đồng hoang nằm cách xa trung tâm dân cư thuộc ấp 4, xã Bĩnh Mỹ, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), có một người đàn ông đã dành hết tâm sức của mình để chăm sóc những mảnh đời neo đơn và những đối tượng nhiễm HIV/AIDS. Ông là Trần Văn Ngọc, người vẫn được mọi người ở mái ấm kính trọng gọi bằng cái tên “thầy Ngọc”.

 

Lúc chúng tôi tìm đến, ông Ngọc đang ngồi gảy ghi-ta và hát cho người bệnh nghe. Khi biết chúng tôi có ý định viết bài về ông, ông xua tay: “Bao năm nay chú quen lặng lẽ với công việc của mình rồi. Cháu hãy viết về những mảnh đời neo đơn, lầm lỗi trong mái ấm kia kìa. Họ mới cần được xã hội biết đến và cảm thông”.

Ông Trần Văn Ngọc nhớ lại những ngày đầu năm 2003, khi ông gặp những người nhiễm HIV/AIDS bị gia đình xa lánh, xã hội kỳ thị, không có chốn nương thân. Sau vài tháng trăn trở, ông đã tìm đến mảnh đất hoang ở Củ Chi, vốn là của một người bạn, phát quang cây cỏ, bụi rậm để dựng căn nhà lá nhỏ cho những người bệnh có nơi trú mưa, tránh nắng. Lúc đầu, mái ấm chỉ có một người bệnh. Qua những lời giới thiệu, người bệnh tìm đến đông dần, ông tiếp tục đóng cọc dựng thêm hai căn chòi lá, mỗi căn rộng khoảng 15 m2 để có thể đón thêm nhiều người bệnh. Vì mảnh đất này nằm trong diện quy hoạch, thu mua của Tổng công ty cao-su miền Nam, ở được ngày nào hay ngày đó, ông không dám xây dựng kiên cố, bởi vậy, từ khi thành lập mái ấm vẫn tồn tại với cái tên rất dân dã là “Nhà Cỏ”.

Từ khi lập “Nhà Cỏ” đến năm 2009 là thời gian ông Ngọc gặp nhiều khó khăn nhất. Thiếu thốn đủ thứ từ giường, chiếu, gạo muối đến điện sinh hoạt. Người dân gần đó sợ lây bệnh nên luôn kiến nghị, tìm cách “trục xuất Nhà Cỏ” ra khỏi địa bàn. Năm 2005, ông đã phải đưa người bệnh về Hóc Môn. Ðược ba tuần, nơi ở mới không phù hợp, ông lại đưa những người bệnh quay lại, tìm cách nói chuyện với người dân để họ hiểu và cảm thông.

Người bệnh đến với mái ấm, lúc đó phần lớn là những người đã bị bệnh nặng. Lở loét khắp mình, không tự đi lại và chăm sóc bản thân được là hình ảnh quen thuộc trong Nhà Cỏ. Một mình ông vừa phải lo cơm nước, vừa phải lo tắm rửa, thuốc men. Thuốc ARV và thuốc lao khi đó rất khan hiếm. Quy định lại không cho người khác lãnh thuốc thay, ông phải chở từng người bệnh trên chiếc xe máy cà tàng, vượt chặng đường trên dưới 40 km để về trung tâm lấy thuốc điều trị. Có người bệnh vốn là dân giang hồ nhiều năm, không có hộ khẩu hoặc giấy tạm trú, người ta không chịu cấp thuốc, ông Ngọc phải xoay xở để có từng viên thuốc cho họ thật vất vả biết bao.

Ông Ngọc nói, thời đó như một giai đoạn chiến đấu của “tui”. Quần quật cả ngày, đêm phải một, hai giờ khuya mới ngủ. Hôm nào có người nguy kịch là trắng đêm chăm sóc người đó. Vậy mà nhiều sáng thức dậy, ông phát hiện người đó đã qua đời từ bao giờ, thậm chí có ngày có tới ba người cùng ra đi. Khi ấy, ông lại lặng lẽ tẩm liệm rồi đưa đi hỏa thiêu rồi đem tro cốt về để ở nhà chung, hằng ngày hương khói cho họ đỡ tủi. Chỉ cho tôi xem những hũ cốt trên kệ thờ, giọng ông Ngọc buồn rầu: “Chẳng biết khi nào người thân của họ mới tới để thắp cho họ một nén nhang nữa?” tội nghiệp quá!.

Ðể có tiền lo cơm nước, quần áo, thuốc men rồi đủ thứ phát sinh khi có người qua đời, ông phải tằn tiện, tính toán. Ngoài một phần trợ giúp của bác sĩ Phấn (làm ở Bệnh viện Gò Vấp – TP Hồ Chí Minh), bà Thư (chủ của mảnh đất) và một số bạn bè thân thiết, để có thêm thức ăn vào bữa ăn hằng ngày cho người bệnh, ông Ngọc đào một cái ao nhỏ nuôi cá và phát quang bụi rậm lấy đất trống nuôi gà, vịt.

Nhiều người thân và bạn bè của ông biết chuyện đã phản đối, bảo ông bị “điên”, “thần kinh có vấn đề” vì “tự nhiên lao vào phục vụ những người hết thuốc chữa, xã hội coi như thứ bỏ đi mà mình còn ôm vào”. Những lúc đó, ông chỉ nhẹ nhàng: “Họ cũng là con người và chúng ta đang có một trái tim đấy”.

Từ năm 2010 trở đi, “Nhà Cỏ” đã ổn định cuộc sống. Người dân trong vùng cũng thôi không tìm cách đuổi những số phận đáng thương ấy nữa. Mái ấm đã tiếp nhận gần 200 lượt người bệnh, phần lớn là những người tham gia hoạt động mại dâm, nghiện hút, những “giang hồ gãy cánh” đã nhiễm HIV/AIDS bị gia đình ruồng bỏ. Chưa hết, ông Ngọc còn nhận thêm những người già neo đơn, bị tai biến hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo không người chăm sóc để về cưu mang. Hiện tại, mái ấm có 21 người, quá nửa số đó là những người có H. Ai cũng vậy, đã neo đậu về đây đều được ông Ngọc yêu thương, chăm sóc như chính người thân của mình.

Anh Nhật (SN 1978, bị nhiễm HIV gần 10 năm), vào mái ấm đã sáu năm, với đôi mắt chỉ còn 80% thị lực nói: “Lúc mắt tôi bắt đầu mờ, thầy Ngọc chạy đôn chạy đáo đưa tôi đi khám rồi điều trị khắp nơi. Thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc, thầy đều mua về cho tôi dùng, nhưng bệnh tình không tiến triển. Vì thầy không có đủ tiền để tôi thay mắt, bản thân tôi lại bệnh tật như vầy nên tôi xin thầy không điều trị tiếp nữa. Khi đành bó tay, thầy rất buồn”.

Ở Nhà Cỏ lâu nhất, anh Nhật cho biết: Những năm có nhiều người bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, toàn thân lở loét, các vết thương mưng mủ chảy nước, bản thân những người cùng cảnh ngộ với họ còn thấy khiếp sợ, nhưng thầy Ngọc vẫn trực tiếp tắm rửa rồi bôi thuốc và giặt quần áo cho họ. Bệnh nặng nhập viện, thầy cũng không quản ngày đêm, mưa gió tự lái xe máy đưa họ đi khám rồi túc trực chăm nom, ổn định mới đưa về. Không chỉ tốt với người bệnh ở đây, với một số mái ấm tình thương trên địa bàn huyện Củ Chi, thầy cũng thường xuyên bắt gà nuôi được trong chuồng, bắt cá dưới ao đem đến để họ cải thiện bữa ăn hằng ngày thật chật vật.

Ông Ngọc cười giải thích: “Ðã coi nhau như anh em một nhà thì có gì e ngại? Cứ sống hết mình, nếu có sao thì đó là số phận rồi, tránh sao được”. Ông bùi ngùi: “Lúc mới vào đây, ai cũng buồn chán, tuyệt vọng. Có người còn giữ nguyên lối sống ngang tàng như ở bên ngoài. Nhưng mình cứ kiên trì chăm sóc họ tận tình thì con người dù có cứng rắn tới cỡ nào cũng sẽ mềm lòng”.

Và ngọn lửa mà ông Ngọc đã lặng lẽ thắp lên ấy đã cảm hóa, khơi gợi được tính thiện của các thành viên “Nhà Cỏ”. Anh Minh (SN 1977), vốn là một tay anh chị, nghiện ma túy rồi nhiễm HIV đã gần năm năm, lúc mới vào rất khó bảo. Ðược ông Ngọc nhẹ nhàng động viên rồi uốn nắn ngày ngày, anh nhận ra thầy đối đãi với mình còn hơn cả người thân, anh đã thay đổi tính, không chỉ có ý thức với bản thân mà còn biết phụ ông Ngọc nấu cơm, chăm sóc những người bệnh khác, chiều đến ra nhà dân xin cơm thừa về nuôi cá…

Anh Nhật những ngày đầu vào đây, cảm giác thèm thuốc luôn thôi thúc anh quay về con đường cũ. “Nghĩ đến tình thương của thầy, nhớ những ngày sống lay lắt bên ngoài, đợi một ngày kia âm thầm chết ở một xó xỉnh nào đó, tui lại ráng ở lại. Vượt qua được, mới thấy hết ý nghĩa của cuộc sống. Phải chi trước đây làm chủ được bản thân thì bây giờ không phải lâm vào tình cảnh này”. – Anh Nhật xót xa nuối tiếc: “Giá như mắt còn nhìn rõ tôi sẽ gắng làm thêm nhiều việc có ích để đáp lại ơn cưu mang của thầy nhưng giờ thì không làm gì được nữa rồi”.

Tôi đem điều ước của anh Nhật nói lại với ông Ngọc, ông lắc đầu: “Làm việc nghĩa mà mong trả ơn chi cháu? Chú chỉ mong họ sống vui vẻ những năm tháng cuối đời. Xã hội mở rộng vòng tay yêu thương với họ là chú hạnh phúc rồi”. Có lẽ với người đàn ông không vợ con, đã bước qua tuổi năm mươi như ông Ngọc thì đó chính là động lực để ông tiếp tục “mang tâm mình đi thắp lên những ngọn lửa yêu thương”. Anh Ngọc có một trái tim nhân hậu thật đáng ngưỡng mộ và kính trọng. Thật hiếm người có được nghĩa cử đẹp như anh

 

 BÀI VÀ ẢNH: PHẠM VĂN